Dọc miền biên giới ngắm nhà của người dân tộc thiểu số ở Việt Nam TIN230087

Việt Nam có 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc lại có một nét kiến trúc đặc trưng riêng, thể hiện tinh thần, văn hóa và cuộc sống của mình. Ngày hôm nay, chúng ta tạm dừng có kinh nghiệm xây dựng nhà cửa, tạm dừng khám phá các mẫu biệt thự đẹp theo kiến trúc đương thời để cùng đi dọc biên giới Việt Nam, ngắm nhìn các thiết kế nhà của người dân tộc thiểu số Việt Nam. Biết đâu nhờ đó, bạn có thêm các ý tưởng thiết kế kiến trúc nhà ở theo phong cách dân tộc.

 hình ảnh nhà ở của người dân tộc thiểu số

Người dân tộc thiểu số có những nét đẹp văn hóa riêng, được thể hiện trong đặc trưng kiến trúc nhà ở

Đặc trưng kiến trúc nhà của người dân tộc thiểu số Việt Nam  

Nhà của người dân tộc thiểu số ở Việt Nam thường có những nét đặc trưng riêng, thể hiện văn hóa, tập tục, lối sống của một tộc người, được gìn giữ suốt nhiều thế kỷ.

  • Nguyên, vật liệu làm nhà chủ yếu từ tự nhiên, lấy tại vùng sinh sống như gỗ, tre, nữa, đất đồi, đá….
  • Kiến trúc nhà ở của người dân tộc thiểu số thường lấy nguồn ánh sáng từ mặt trời, trong nhà thắp bếp lửa để sưởi ấp và làm sáng căn nhà hơn.
  • Người dân tộc thiểu số thường xây nhà ở những nơi gần nơi sản xuất, nhà ở đáp ứng nhu cầu du canh du cư.
  • Hai kiểu nhà chủ yếu của người dân tộc thiểu số là nhà trình tường và nhà sàn.
  • Do làm từ nguyên liệu tự nhiên, chú trọng thông gió nên căn nhà của người dân tộc thiểu số cách nhiệt rất tốt. Nhiều ngôi nhà còn được làm từ gỗ rừng quý hiếm nên càng thêm phần chắc chắn, tuổi thọ hàng trăm năm

 hình ảnh nhà của người dân tộc

Nhà sàn là một trong 2 kiểu nhà phổ biến của người dân tộc thiểu số

Khám phá nét đẹp kiến trúc của một số kiểu nhà của người dân tộc thiểu số ở Việt Nam

Nhà Rông của người dân tộc Bana, ngôi nhà  của người dân tộc thiểu số được nhiều người biết đến nhất

Nhà Rông là nhà cộng đồng của người Bana được xem như đình làng của người Kinh. Đây là kiểu nhà sàn dặc trưng dùng làm nơi tụ họp, trao đổi, thảo luận của cả dân làng trong các buôn làng. Đối với người Bana, nhà Rông còn là nơi đón khách, dù khách riêng của gia đình hay khách chung của làng. Ngôi nhà này là nơi lưu giữ nhiều vật linh thiêng của làng nên chỉ có con trai, đàn ông mới được phép ngủ lại đây.

 nhà của người dân tộc thiểu số

Người bana bên mái nhà Rông truyền thống

Nhà Rông của người Bana được làm từ rất nhiều loại gỗ quý như gụ, lim với kết cấu độc đáo. Nhà không có kèo như bình thường mà dùng dây rừng, dây mây, cột tre kết nối lại với nhau tạo thành khung. Kì lạ là nhà vẫn rát kiên cố và bền vững.

Nhà Rông của người Bân thường có hành lang rộng ở phía trước. Kích thước nhà cao 12m, dài 12m, rộng 8m với sức chứa từ 80 đến 100 người. Sàn nhà cách đất khoảng 2m, nhà có 2 cầu thang đi lên xuống, 1 cầu thang cho nam gồm 7 bậc (tượng trưng cho 7 vía) ở bên trái, và 1 cầu thang cho nữ gồm 9 bậc (tượng trưng cho 9 vía) ở bên phải. Ngoài ra nhà có cầu thang ở chính giữa, thường dành cho già làng trong các buổi lễ.

 mẫu nhà của người dân tộc thiểu số

Nhà Rông của người Bana có hành lang rộng phía trước, khác với nhà rông thường của các dân tộc khác

 Mái nhà được lợp bằng cỏ tranh, hai mái ốp lại với nhau thành hình lưỡi búa vươn thẳng lên trời. Bên trong nhà, mái được đan chéo bằng nhiều cây gỗ tròn, thẳng, dài hàng chục mét, tạo nên một mái nhà kiên cố, vững chắc có thể chịu được gió bão.

Nhà Rông thể hiện nét độc đáo kiến trúc của người dân Tây Nguyên, đặc sắc nhất là nhà Rông của người Bana. Đây cũng là một trong những mẫu nhà của người dân tộc thiểu số được nhiều người biết tới nhất. 

 nhà rông của người bana

Bên trong căn nhà Rông của người Bana. Đây là gian giữa, để trưng bày các đồ truyền thống của dân tộc

Nhà sàn Thái, Tày, Mường, mẫu nhà của người dân tộc thiểu số giá trị văn hóa tiêu biểu của một tộc người

Nhà sàn là một trong hai thiết kế kiến trúc nhà ở đặc trưng của người dân tộc thiểu số. Mỗi tộc người lại có kiểu nhà sàn khác nhau. Tuy nhiên, đặc sắc nhất phải kể tới nhà sàn của 3 tộc người Thái, Tày, Mường.

Nhà sàn của người Thái

Nhà sàn của người Thái ở vùng núi Tây Bắc được đánh giá là một công trình đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Nhà sàn của dân tộc Thái bao giờ cũng làm số gian lẻ, hai đầu hồi (gọi là tụp cống) khum khum như hình mai rùa

Tuy cùng là dân tộc Thái nhưng nhà của người Thái đen và Thái trắng lại có những nét đặc trưng riêng. Nhà sàn của người Thái đen có hình mai rùa, cấu trúc lợp liền hai mái và hai trái thành một liên kết. Nhà của người Thái Trắng lại làm giống với nhà sàn của người Mường, Tày theo nguyên tắc 4 mái, 2 mái chính và hai mái trái thành khu tách biệt rõ ràng. Đặc điểm dễ phân biệt nhất chính là đôi sừng trâu cụt (khau cút) được trang trí trên nóc nhà chỉ có ở nhà sàn của người Thái đen.

 các kiểu nhà của người dân tộc thiểu số

Nhà sàn của người Thái mang những nét kiến trúc bình dị, mộc mạc riêng

Tuy có sự khác biệt trong kiến trúc, nhưng nhà của người dân tộc Thái luôn có hai cầu thang, một dành cho nam và một dành cho nữ, số bậc thang là phải số lẻ. Số gian nhà nhiều ít tùy ý nhưng bắt buộc phải là số lẻ vì người Thái quan niệm số chẵn là số chết chóc, số lẻ là số phát triển.

Nhà sàn của người dân tộc thái được xây dựng tỷ mỉ, kì công. Chất liệu chủ yếu là gỗ rừng và họ nhà tre…. Trước khi làm nhà, người Thái thường tích đủ số gỗ rồi mới làm. Gỗ được chọn theo nhiều quy tắc khá khắt khe. Sauk hi lấy gỗ từ rừng về, họ sẽ ngâm gỗ khoảng 2-3 năm để tránh mối mọt rồi mới làm. Nhà được dựng không dùng bất kì một chiếc đinh, mẩu sắt nào. Khi làm nhà, người thái thường sử dụng đòn dầm xuyên suốt qua các lỗ đục của các cột, việc làm này khiến cho nhà sàn bền chắc hơn, tồn tại tới trăm năm. Chính vì lý do đó mà nhà sàn của người Thái thường rất đẹp và rất bền.

 nhà sàn của người thái

Ngày nay, khi không còn sừng trâu như trước, nhưng người Thái đen vẫn làm biểu tượng hay thanh bắt chéo trên mái nhà với ý nghĩa như khau cút, để mang lại may mắn cho gia đình

Ngày nay, mẫu nhà của người dân tộc Thái có sự biến đổi nhiều do hoàn cảnh. Người Thái chuyển dần sang kỹ thuật làm nhà của người kinh và sử dụng chủ yếu các vật dụng hiện đại để xây nhà chứ không khai thác gỗ như trước đây nữa.  Tuy nhà của người Thái ngày nay có nhiều nét kiến trúc của mẫu biệt thự hiện đại, nhưng những đặc trưng trong ngôi nhà sàn thì vẫn luôn được tộc người này gìn giữ và cố gắng lưu truyền tới đời sau.

 mẫu nhà của người dân tộc thiểu số Thái

Người Thái sinh hoạt bên trong ngôi nhà sàn truyền thống

Nhà sàn của người Mường

Nhà sàn của người Mường khác với nhà sàn của những dân tộc khác. Những ngôi nhà này khác từ các chọn hướng, kỹ thuật dựng nahf tới các bố trí các đồ đạc trong nhà.

Người Mường rất coi trọng việc chọn hướng nhà.  Với họ, nhà làm đúng hướng sẽ đem tới tài lộc, không được làm nhà ngược hướng với đồi núi. Thậm chí việc chọn nhà còn được tổ chức thành nghi lễ và do thầy cũng, thầy mo thực hiện, lựa chọn theo hướng nhà của người nam giới trụ cột hoặc người lớn tuổi nhất trong gia đình.

 nhà của người dân tộc thiểu số vùng núi cao nguyên

Người Mường trong lễ hội đón xuân bên ngôi nhà sàn truyền thống của dân tộc mình

Cách bố trí không gian sống trong ngôi nhà của người dân tộc Mường cũng rất đặc biệt. Nhà sàn được chia thành nhiều gian, nhà càng giàu càng có nhiều gian. Người chưa có vợ, chồng thì ở gian giữa, bố mẹ ở gian ngoài, khách ở gian ngoài cùng. Còn ăn cơm có khách thì ăn ở gian ngoài, không có khách chỉ có gia đình thì ăn cơm ở gian giữa. Nếp sống sinh hoạt trong nhà dù là việc gì cũng lấy cửa sổ (voóng) làm hướng chính. Mỗi cửa sổ đều có tên gọi riêng và gắn với chức năng riêng trong ngôi nhà. Trong nhà có rất nhiều cửa sổ, thường mỗi gian có từ một đến 2 cửa sổ.

Nhà sàn của người Mường cũng có 2 cầu thang, một trước nhà, một sau nhà gần bếp, vại nước để tiện nấu nướng cho phụ nữ. Cầu thang trước nhà có đặt một chum nước để khách tới chơi thì rửa chân tay sạch sẽ rồi mới được lên nhà.

nhà ở của người dân tộc thiểu số

Nhà sàn của người Mường giản dị, thoáng đãng, nhưng luôn mang giá trị tinh thần riêng trong lòng tộc người này.

Mái nhà sàn của người Mường đã trở thành một nét đẹp văn hóa tinh thần để mỗi người con đi xa lại nhớ về và thấy tự hào

Nhà sàn của người Tày

Ngôi nhà truyền thống của người dân tộc Tày– Nùng  có hai loại là nhà sàn và nhà trình tường. Nhà sàn của người Tày, thường được làm bằng gỗ,  lợp bằng cỏ, hoặc ngói âm dương hay ngói máng. Dưới gầm sàn thường dùng làm chuồng gia súc.

 nhà ở của người dân tộc thiểu số vùng cao

Người Tày bên nếp nhà xưa, quây quần bên nhau đánh đàn tính, dụng cụ độc đáo chỉ có ở dân tộc Tày

Nhà sàn có 2 loại mái là loại 2 mái và 4 mái. Cấu trúc nhà 4 mái phức tạp hơn nhà 2 mái. Nhà sàn có cấu trúc 2 mái cân nhau, nhà 4 mái có 2 mái chính cao, 2 mái phụ thấp hơn.  Tuy nhiên, dù là nhà 2 mái hay 4 mái thì bộ sườn nhà  của người Tày Nùng thường chỉ là 4 hàng cột, 5 hàng cột, 7 hàng cột. Trong đó, kiểu 7 hàng cột là hoàn thiện nhất.

Nhà sàn của người Tày Nùng có ít nét đặc trưng riêng. Tuy nhiên, nó vẫn mang ý nghĩa văn hóa kiến trúc to lớn.

 nhà sàn của người Tày

Nếp nhà sàn của ngươi dân tộc thiểu số Tày

Xem thêm: Thiết kế nhà biệt thự kiểu nhà sàn 2 tầng ở Lang Chánh

Nhà trình tường, mẫu nhà trên núi độc đáo của người dân tộc dân tộc Mông, Hà Nhì

Cùng với nhà sàn, nhà trình tường là kiểu nhà phổ biến nhất trong số các kiểu nhà của người dân tộc thiểu số. Trong đó, đặc sắc nhất phải kể tới nhà trình tường của người dân tộc Mông và Hà Nhì. Nhà trình tường là nhà trệt, tường được làm bằng đất với những kỹ thuật vô cùng độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số. Đất để làm nhà vừa phải có độ dẻo để kết dính lại vừa phải có độ cứng để đảm bảo độ vững chắc cho ngôi nhà.

Nhà truyền thống của người Mông

Nhắc đến văn hóa người Mông là phải nói đến kiến trúc độc đáo của những ngôi nhà trình tường truyền thống. Môi trường sống cùng với văn hóa đã hình thành nên kiến trúc nhà ở của người dân tộc Mông. Nhà ở trình tường bằng đất, lớp ngói tranh phù hợp với khí hậu vùng cao, nơi người Mông thường sinh sống, có ưu điểm ấm đông, mát hạ và cso thể chống được kẻ gian hay thú dữ…

 nhà trình tường của người mông

Những ngôi nhà trình tường của người H’Mông

Người Mông chú trọng nhất là việc chọn đất làm nhà. Sau khi chọn được đất tốt, đất lành, người ta sẽ tiến hành san nền, kê móng và trình tường làm nhà. Công việc trình tường của người dân tộc Mông được làm khá công phu và trong quá trình này, người lạ, đặc biệt là phụ nữ sẽ không được đến ngôi nhà của họ.
Để trình tường nhà, người Mông làm những chiếc khuôn gỗ dài dài 1,5 m, rộng 0,45 m – 0,5 m. Người ta đổ đầy đất vào khuôn gỗ, dùng vồ nền chặt lại. Đất trình tường phải sạch rễ cây, lá to, cỏ rác để đảo bảo mềm rẻo, kết rính, khi khô lại cũng sẽ cứng cáp và khỏe. Quá trình trình tường tốn khá nhiều công sức, vì thế, 1 người làm nhà thì thường được đàn ông trong cả xóm tới giúp đỡ.

 nhà của người dân tộc thiểu số

Quá trình làm nhà trình tường của người H’Mông

Kiến trúc nhà ở của người dân tộc Mông tương đối thống nhất. Dù to nhỏ đều phải có 3 gian 2 cửa, gồm 1 cửa chính, 1 cửa phụ và tối thiểu 2 cửa sổ. Nhà có thể có 1, 2 chái nhưng không liên quan tới 3 gian nhà chính, khác hẳn với kiểu nhà cấp 4 3 gian của người kinh, 2 gian chai thường liền kề và là một tổng thể thống nhất với 3 gian chính.

Ba gian chính được sắp xếp như sau: Gian trái dùng đặt bếp và bùng ngủ của vợ chồng chủ nhà, bên phải đặt bếp sưởi và giường khách, gian giữa rộng hơn là gian thờ cúng và cũng là nơi tiếp khách, ăn uống của gia đình.  Phòng ngủ của con cái được bố trí riêng.

Nét độc đáo trong những cấu trúc nhà truyền thống của người Mông chính là bản lề cửa nhà không làm bằng sắt mà làm bằng gỗ. Bên cạnh đó, xung quanh các ngôi nhà còn được xếp đá xung quanh chắc chắn để móng nhà thêm vững.

 nhà của dân tộc mông

Hàng rào nhà trình tường của người Mông được xếp bằng đá, không dùng chất kết dính nào nhưng vẫn bền chắc mãi với thời gian

Trải qua nhiều thế kỷ, mẫu nhà ở của người dân tộc thiểu số H’Mông vẫn còn tồn tại và ngày càng được cải tiến trên tinh thần giữ gìn lỗi kiến trúc truyền thống để phù hợp với điều kiện tự nhiên cũng như sinh hoạt sản xuất của gia đình.

Nhà trình tường của người Hà Nhì

Kỹ thuật làm nhà của người Hà Nhì có đôi nét khác với người Mông. Người Hà Nhì  cũng chọn đất tốt, bằng phẳng rồi chọn ngày mổ gà mổ châu cúng trế. Đất làm nhà là loại đất núi, có độ kết dính cao. Móng nhà được làm bằng đá, được đặt trược tiến lên nền đất chứ không đào sâu xuống lòng đất như kiểu nhà cấp 4 truyền thống của người Kinh.  Tiếp đến, người ta dùng ván khuôn đặt xuống nẹp lại cho chắc như đổ bê tông rồi đổ đất vào, dùng chày nện chặt cho tới khi đất kết chắc lại với nhau. Hết tầng đất thứ nhất lại tới tầng thứ 2, tới tầm 5–6 tầng là đủ. Trình xong tường xung quanh, người Hà nhìn lấy gỗ Pơ Mu, gỗ Kháo hoặc Dổi làm khung nhà bên trong. 

 nhà trình tường của người hà nhì

Người Hà Nhì cũng sống trong những ngôi nhà trình tường bằng đất nện

Nhà trình tường làm từ đất nện nên có độ ẩm cao, dễ ẩm mốc, chính vì vậy mà người Hà Nhì cũng như những dân tộc thiểu số khác sống trong nhà trình tường đều đặt bếp ở trong nhà để tạo sự khô thoáng. Điểm đặc biêt trong cách làm nhà của người Hà Nhì là họ dùng gang tay để đo kích thước của ngôi nhà chứ không dùng bất kì một loại thước nào khác. Khuôn nhà để trình tường của người Hà Nhì cũng lớn hơn của người Mông, dài 2–2.5m, rộng 0.6m, cao 0.4m.

Mái nhà của người dân tộc Hà Nhì trước đây thường lợp bằng cỏ gianh hoặc rơm, còn ngày nay, tuy vẫn ở trong những ngôi nhà trình tường nhưng mái nhà của họ đã được thay bằng mái bro xi măng, tôn…  Mỗi ngôi nhà có một cửa ra vào ở chính giữa và 1 cửa phụ ở đầu hồi hoặc phía sau. Bên trong nhà có 1 bức tường phụ bằng đất nện chạy song song với tường chính, cách cửa ra vào 1.5m, sau bức tường này là bếp ăn và giường ngủ của chủ nhà.

 nhà của người dân tộc thiểu số

Nhà trình tường của người Hà Nhì có tường dày hơn và không có hàng rào như nhà trình tường của người Mông

Nhìn chung, nhà của người dân tộc thiểu số theo kiểu trình tường khá giống nhau về phương thức, chỉ khác một chút ở cách làm và cách sắp xếp các vị trí cửa, không gian sử dụng trong nhà. Tuy nhiên, chính sự khác nhau đó đã làm nên dấu ấn riêng cho những kiểu nhà của người dân tộc thiểu số ở Việt Nam

Mẫu nhà của người dân tộc thiểu số Ê Đê, nhà sàn dài

Nhà dài của người Ê Đê là một trong những ngôi nhà mang nét đặc trưng đặc sắc của một dân tộc vùng Tây Nguyên. Ngôi nhà này thuộc kiểu nhà sàn thấp, dài từ 15m đến hơn 100m tùy theo gia đình nhiều người hay ít người. Nhà sàn dài của người Ê Đê là ngôi nhà lớn có nhiều thế hệ sống chung, tiêu biểu cho một tộc người theo chế độ mẫu hệ.

 nhà dài của người ê đê

Nhà sàn dài của người Ê Đê mang những nét kiến trúc khác với nhà Rông của các dân tộc ở Tây Nguyên

Người Ê Đê không có nhà rông như các dân tộc khác ở Tây Nguyên, nhà chung của người Ê Đê là nhà sàn dài truyền thống, to đpẹ và hoành tráng hơn nhà ở thường.

Ngôi nhà này đôi khi là nơi sinh sống của cả một dòng họ và thường xuyên nối dài thêm mỗi khi một thành viên nữ trong gia đình lấy chồng. Nhà dài truyền thống được xây dựng bằng gỗ, tre, nứa lợp mái tranh và có kết cấu cột kèo bằng gỗ với sức chịu đựng tốt. Các đà ngang, đòn dông luôn được đẽo bằng tay, từ những cây gỗ nguyên vẹn dài hàng chục mét. Mỗi đà ngang, đòn dông được tính với 1 lần nhà được nối dài. Đặc biệt, người Ê đê có tập tục ngủ thì quay đầu về hướng Đông, chân quay về hướng Tây nên khi làm nhà thường quay về hướng Bắc Nam.

Nhà sàn dài của người Ê Đê được thưng và lót sàn bằng những phên nứa đập nát, mái lợp cỏ tranh đánh dày, trên 20cm nên mái nhà thường chỉ làm một lần và sử dụng vĩnh viên, không cần lợp lại. Gầm sàn cách đất khoảng 1m, thường dùng nhốt gia xúc. Đỉnh mái cách sàn từ 4–5 m.

 hình ảnh nhà của người dân tộc thiểu số

Phía trước cầu thang nhà có trang trí hai nhũ hoa và hình mặt trăng, thể hiện tín ngưỡng phồn thực và chế độ mẫu hệ của người Ê Đê

Cầu thang nhà của người Ê Đê luôn được đẽo bằng tay và thường được trang trí bằng hình hai nhũ hoa hình trăng khuyết. Các cột kèo khác thường trang trí với hoa văn hình thú vật như voi, ba ba, kì đà.

Nhìn chung, nhà dài mang ý nghĩa gắn liền với cuộc sống của từng gia đình dòng họ người Ê đê, thể hiện giá trị văn hóa và sự gắn kết của các thành viên trong gia đình tộc người này. Mẫu nhà của người dân tộc thiểu số này là một trong những kiểu nhà sàn độc đáo nhất của Việt Nam.

 nhà của người dân tộc thiểu số ở tây nguyên

Cả đại gia đình, cả dòng họ cùng nhau sinh sống dưới một mái nhà, mang ý nghĩa cộng đồng vô cùng lớn lao

Nhà ở truyền thống của người Chăm, kiến trúc nhà ở của người dân tộc thiểu số đã dần mai một

Nhà của người dân tộc Chăm có hai kiểu chính: Sang top và Sang hap, được phân biệt bằng kiểu mái. Kiểu nhà nào cũng đều gồm 4 mái chập lại. Nhưng nahf sang hap có mái hiên riêng biệt còn nhà sang top thì suôn xuống hoàn toàn. Ngoài ra nhà bếp của 2 kiểu nhà này cũng khác nhau, 1 kiểu là nối liền với nhà chính thành một tổng thể thống nhất, một kiểu là cất riêng và nằm ngang bên hông nhà chính. Kiến trúc nhà cổ của người Chăm thường có sàn nhà rất cao để tránh ngập nước vào mùa lũ. Cửa chính được làm theo hình vòm để đón nhiều ánh sáng vào bên trong. Vách nhà làm bằng gỗ được ghép với nhau bằng mộng cây theo lối âm dương, hoàn toàn không dùng đinh.

 nhà của người chăm

Ngôi nhà cổ truyền của người dân tộc Chăm, ngày nay, mẫu nhà này còn lại rất ít

Các biểu tượng hoa văn được sử dụng trong lối kiến trúc nhà người Chăm không tuân theo một quy luật hay khuôn mẫu nào. Hoa văn thường chạm khắc ở các vị trí như trên cánh cửa, trần nhà, tủ, giường, trước hiên nhà…  Chính vì hoa văn không tuân theo một khuôn mẫu nào nên mỗi ngôi nhà của người Chăm lại có một nét đặc sắc riêng.

Tùy theo điều kiện của mỗi gia đình mà nhà của người Chăm sẽ có kích thước khác nhau. Nhà càng khá giả, càng đông caon thì ngôi nhà lại càng nhiều gian. Nhà nào khá giả thì trần nhà còn được đóng bằng nhiều lớp gỗ, khắc hoa  Mỗi gian gần như một ngôi nhà hoàn chỉnh có cột lơn ở chính giữa (cột bà) và gian nào cũng được bố trí cửa sổ để đón nắng vào. Giữa gian nhà thường có một bậc gỗ khá cao để phân biệt vị trí ngôi nhà và chỗ ở của từng thành viên trong gia đình.

 nhà của người dân tộc ở vùng núi

Nhà của người Chăm được phục dựng tại bảo tàng dân tộc học Việt Nam

Các gian nhà của người Chăm được sắp theo thứ tự: gian đầu để tiếp khách, chỉ dành cho đàn ông ngồi, gian thứ 2 là chỗ của cha mẹ, gian thứ 3 của con gái đầu, gian cuối là nhà bếp.  

Nhà của người chăm có nhiều nét gợi nên thiết kế nhà cấp 4 truyền thống của người Kinh. Tuy nhiên nó vẫn là mẫu nhà mang nét đặc trưng riêng, không hòa trộn của người dân tộc Chăm.

Phong phú các kiến trúc nhà ở của người dân tộc Dao, từ nhà đất đến nhà sàn

Người Dao còn có nhiều loại nhà khác nhau, mỗi loại mang một đặc điểm riêng làm phong phú cho kho tàng kiến trúc nhà ở của người dân tộc thiểu số của nước ta, gồm nhà sàn, nhà đất, nhà nửa sàn nửa đất. Tuy nhiên, dù là loại nhà nào thì vật liệu làm nhà chính vẫn là gỗ, tre, dây rừng, lá gồi, cỏ tranh…

Với kiểu nhà đất, loại nhà này đã được sử dụng từ lâu. Nhà đất của người Dao thường có ba hoặc 5 gian đứng (không có chái). Bộ sườn của nhà nền đất được cấu tạo đơn giản, mỗi vỉ kèo chỉ có hai hoặc ba cột hoặc 1 quá giang và 1 kèo đơn.

 nhà của người Dao

Một ngôi nhà của người Dao ở vùng Tây Bắc

Với kiểu nhà sàn, người Dao cất nhà trên các gò đất thấp, dưới chân núi hay trong các thung lũng gần ruộng, nương. Nhà sàn có thông gió từ trên mái và dưới sàn để tránh ẩm. Mái nhà có những tấm xà lớn được trang trí và lợp bằng lá cỏ tạo nên nét độc đáo của nhà sàn người Dao. Mái này được xử lý tự nhiên bằng khói bếp nhờ vào ô sưởi vuông trong nhà. Chính vì vậy mà mái rất lâu mới bị mục nát và phải thay bỏ.

Với kiểu nhà nửa sàn nửa đất, người Dao kết hợp những ưu điểm của 2 loại hình nhà ở trên để thích hợp với cuộc sống du canh, du cư của mình. Kiểu nhà này là một bước phát triển của loại hình nhà nền đất, vừa chắc chắn lại có thể di chuyển được khi chuyển nhà.

 thiết kế nhà ở của người dân tộc thiểu số

Kiểu nhà nửa sàn nửa đất vô cùng độc đáo của người dân tộc Dao

Mặc dù có 3 kiểu nhà khác nhau nhưng các kiểu nhà truyền thống của người Dao đều có nét chung là bên trong nhà luôn bố trí một gian đặc biệt, có vách chắn theo chiều dọc ngôi nhà, là một buồng đê rượu hoặc thịt ướp chua. Gian nhà này chỉ xuất hiện trong các ngôi nhà của người dân tộc thiểu số Dao.

Nhà của người dân tộc Giáy, một thoáng kiến trúc nhà ở của người dân tộc thiểu số vùng Sa Pa

Những ngôi nhà của người dân tộc Giáy có chiều dài (được tính từ nền nhà đến xà ngang) là 1.8m và chiều rộng từ 9-10m. Người Giáy thường làm nhà 3 gian, mỗi gian mang một ý nghĩa riêng. Hai gian ngoài có gác xép (cái lầu), gian giữa để thông thoáng.

Xem thêm: Mẫu nhà 2 tầng mặt tiền 7m ở Mường Lay, Điện Biên

 nhà của người dân tộc thiểu số

Người dân tộc Giáy hiện nay có số dân rất ít, là một trong những dân tộc thiểu số ít người nhất của nước ta

Trong ngôi nhà của người dân tộc Giáy, gian giữa luôn là gian được tôn nghiêm nhất, để đặt bàn thờ tổ tiên, tiếp khác hay để mời khách ăn cơm vào dịp lễ tết. Theo phong tục của tộc người này, phụ nữ tuyệt đối không nằm ở gian giữa. Khu vực bếp chỉ để đặt đồ bếp, còn các đồ như thóc, gạo thì đặt trên gác. Nếu có khách thì dọn gác này cho khách ngủ.

 nhà của người dân tộc thiểu số

Bên trong nếp nhà của người Giáy toát lên sự ấm cúng. Chính trần nhà thấp khiến cho căn nhà trở nên ấm cúng hơn

Nhà của người dân tộc Giáy thường có 3 cửa, cửa chính ở gian giữa để ra vào, cửa nhà bếp, cửa nằm ở buồng bên mở ra sau nhà. Gian giữa được làm thụt vào so với hai gian bên, cửa sổ gian này nhỏ, chỉ có kích thước 20x40cm.

Nhìn chung, nhà của người Giáy có những đặc trưng riêng và thể hiện tập tục riêng của dân tộc này. Những mẫu nhà này cũng làm phong phú thêm kho tàng nhà của người dân tộc thiểu số ở nước ta.

Như vậy, chúng ta đã có một cuộc hành trình thú vị, khám phá những ngôi nhà truyền thống của các dân tộc thiểu số của Việt Nam. Thông qua bài viết này, chúng tôi hy vọng bạn đã có thêm nhiều hiểu biết về kiến trúc nhà ở của người dân tộc thiểu số. Chính những ngôi nhà này đã làm nên một phần văn hóa Việt Nam, làm nên một phần đặc trưng, một phần đơn sơ giản dị của các vùng núi, cao nguyên nước ta.

Cảm ơn các bạn đã theo dõi một bài viết rất dài nhưng rất nhân văn này của Angcovat.

Quý vị  có thể tham khảo thêm bài viết Hình ảnh thi công thực tế nhà ở kết hợp với bán hàng để làm phong phú thêm kiến thức về kiến trúc của mình.

Pin It

Gửi yêu cầu tư vấn

Khách hàng vui lòng gọi điện vào hotline, Gửi yêu cầu tư vấn, Comment yêu cầu tư vấn dưới mỗi bài viết. Chúng tôi sẽ xử lý và trả lời yêu cầu tư vấn khách hàng trong 8h làm việc.

CÔNG TY CỔ PHẦN KIẾN TRÚC VÀ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG ANG
Trụ sở: 211 - Khương Trung - Thanh Xuân - Hà Nội
Văn phòng: Số 137 Nguyễn Xiển - Thanh Xuân - Hà Nội.
Hotline: 0988030680 - Tel: 02466622256 - Email: angcovat.vn@gmail.com

Bình luận