Tứ hợp viện là gì ? Có thể thiết kế nhà Tứ hợp viện ở Việt Nam không ? TIN312079
Kiến trúc truyền thống của người Trung Quốc nổi tiếng trên thế giới với vẻ đẹp thanh tao nhã nhặn, đặc biệt là kiểu cấu trúc nhà mang tên “Tứ hợp viện” bao trùm một không gian cuốn hút huyền ẩn. Thiết kế nhà tứ hợp viện mặc dù không phù hợp với thời hiện đại nhưng nó lại là một ý tưởng không tồi cho kinh doanh du lịch nghỉ dưỡng hoặc những gia đình muốn có không gian sinh sống tập độc đáo.
|
Thiết kế mẫu nhà cấp 4 truyền thống mái ngói đỏ đẹp ở nông thôn |
|
Xây dựng nhà 2 tầng kiểu đơn giản ở quê với giá rẻ |
|
Có nên thiết kế nhà 3 tầng mái thái không ? |
Từ xa xưa, Trung Quốc đã nổi tiếng với các công trình kiến trúc đồ sộ, tinh xảo, tuân theo âm dương ngũ hành nhưng cũng đầy sự sáng tạo và mới lạ. Nếu nói đến các kiến trúc cổ của Trung Quốc, chúng ta không thể không nhắc đến mô hình nhà tứ hợp viện, một trong những loại nhà ở đặc trưng xuyên suốt trong quá trình phát triển của quốc gia này. Thiết kế nhà tứ hợp viện phải nói đến kiểu cấu trúc nhà cửa theo nguyên lý âm dương của trường phái Đạo gia, ngũ hành, cân bằng lâu dài, luân lý đạo đức và phong thủy. Tuy nhiên nếu như có ai đó bắt trước mô hình tứ hợp viện này để xây dựng bằng kiểu hiện đại thì có lẽ tính luân lý đạo đức tôn tu trật tự không cần thiết theo áp đặt theo đúng nguyên tắc vì nó chỉ kế thừa tính kiến trúc mà thôi.
NHÀ TỨ HỢP VIỆN LÀ GÌ ? LỊCH SỬ RA ĐỜI CỦA KIẾN TRÚC TƯ HỢP VIỆN
Thiết kế nhà Tứ hợp viện là kiểu nhà truyền thống Trung Quốc được xây theo hình thức khép kín 4 hướng và đăng đối giành cho một đại gia đình
Tứ hợp viện còn được gọi là Tứ hợp phòng, là một hình thức kiến trúc tổ hợp của nhà dân vùng Hoa Bắc Trung Quốc, với bố cục là xây nhà bao quanh một sân vườn theo bốn hướng Đông Tây Nam Bắc, thông thường gồm có nhà chính tọa Bắc hướng Nam, nhà ngang hai hướng Đông - Tây và nhà đối diện với nhà chính, nhà bốn phía bao quanh sân vườn ở giữa, cho nên được gọi là Tứ hợp viện.
“Tứ” chỉ số 4, “viện” là khoảng không gian như sân, vườn trong nhà. “Tứ hợp viện” chính là khoảng sân vườn được kết hợp lại từ 4 hướng đông, tây, nam, bắc. Đây chính là kiểu nhà truyền thống của những dân tộc Hán sống ở phía Bắc. Ngày nay chúng ta vẫn có thể nhìn thấy nhiều thiết kế nhà tứ hợp viện tại các vùng nông thôn hay Bắc Kinh.
Kiểu nhà mang tên “Tứ hợp viện” nhưng điều đó cũng không có nghĩa rằng thiết kế của nó chỉ có 4 sân. Trên thực tế, những gia đình giàu có ngày xưa, có thể sở hữu các “đại hợp viện” lên đến 7 hay 9 sân tùy theo khả năng tài chính và nhu cầu của chủ nhà, có những khu Tứ hợp viện nhỏ, khi đó khoảng sân giữa khá nhỏ nhưng có những khu Tứ hợp viện rất rộng và thiết kế tỉ mỉ, công phu.
Lịch sử của kiến trúc Tứ hợp viện:
Thiết kế Tứ hợp viện ngày càng hoàn chỉnh hơn và thịnh hành ở thời nhà Hán, đây là kiểu nhà truyền thống đến ngày nay vẫn còn bảo tồn
Trung Quốc đã có Tứ hợp viện hoàn chỉnh ngay từ thời Tây Chu cách đây hơn 3000 năm. Bước sang đời Hán, kiến trúc Tứ hợp viện đã có bước phát triển mới và chịu ảnh hưởng của thuyết phong thủy, từ chọn địa điểm đến bố cục xây dựng Tứ hợp viện, đã có cả một cẩm nang về âm dương ngũ hành. Thiết kế nhà Tứ hợp viện của đời Đường đã kế thừa truyền thống của đời Đông Hán, Tây Hán và truyền sang đời Tống và đời Nguyên, với bố cục là trước hẹp, sau rộng. Đến đời Nguyên, Tứ hợp viện ngày càng chín muồi, chính Tứ hợp viện truyền thống của Bắc Kinh đã được xây dựng một cách quy mô trong thời kỳ này. Bước sang đời Minh-Thanh, đã hình thành Tứ hợp viện Bắc Kinh độc đáo, mà Tứ hợp viện của đời Thanh càng cầu kỳ hơn so với Tứ hợp viện đời Minh. Cho đến nay, dọc hai bên đường từ Đông Đơn đến Ung Hòa Cung, từ ngõ Nam La Cổ đến ngõ Bắc La Cổ, từ Tây Đơn đến Tân Nhai Khẩu Bắc Kinh vẫn bảo tồn được một số Tứ hợp viện khá cầu kỳ.
THIẾT KẾ NHÀ TỨ HỢP VIỆN CÓ VAI TRÒ GÌ ĐỐI VỚI NHÂN DÂN TRUNG QUỐC
Tứ hợp viện không đơn thuần là một kiểu kiến trúc nhà ở mà nó còn giúp người dân chống lại khí hậu có phần khắc nghiệt ở phía Bắc
Bắc Kinh có khoảng 200 ngày không sương, thời gian có thể hoạt động ngoài trời trong cả năm tương đối dài, thêm nữa, thời gian được mặt trời chiếu sáng trong ngày cũng dài, ánh nắng mặt trời chan hòa mọi nơi, vì vậy nhà ở quy củ như Tứ hợp viện vô cùng thích hợp với thời tiết này. Sân vườn được sử dụng nhiều.
Mùa đông ở Bắc Kinh rất lạnh, mặt trời chiếu nghiêng, vì thế khi thiết kế nhà tứ hợp viện theo chiều rộng, phòng bên nọ sẽ không che khuất phòng bên kia, tất cả đều được chiếu sáng. Tứ hợp viện ngăn cách với bên ngoài, tất cả cửa sổ đều mở về hướng sân viện, đây là biện pháp tốt để ứng phó với bão cát lớn tại Bắc Kinh. Sân vườn trở thành hạt nhân trong sinh hoạt gia đình, vì vậy có thể nói người sáng tạo ra kiểu kiến trúc Tứ hợp viện có một tầm nhìn sâu rộng.
Toàn bộ tinh thần của Tứ hợp viện nằm trong chữ “Hợp“. Nó khiến rất nhiều yếu tố, bao gồm yếu tố tinh thần và vật chất “hợp” thành một thể, khiến các thành viên trong một đại gia đình cũng “hợp” vào một thể thống nhất. Chỉ có thể cảm nhận hết ý nghĩa của câu thơ “Đình viện thâm thâm thâm kỉ hứa” khi đem nó hình dung kiểu nhà ở cổ điển này.
ĐẶC ĐIỂM KIẾN TRÚC CỦA MÔ HÌNH NHÀ TỨ HỢP VIỆN
Thiết kế nhà tứ hợp viện với những đặc điểm kiến trúc mang lại vẻ đẹp yên bình, thư thái và điển hình của nề nếp sống, của tôn tu trật tự gia đình
1. Đặc điểm hình dáng và cách phân loại của Tứ hợp viện
Tứ hợp viện là khuôn viên hình vuông hoặc hình chữ nhật, tức là 3 tòa kiến trúc gồm nhà chính và nhà ngang hướng Đông- hướng Tây được khép kín bằng dãy nhà có cửa ở phía trước. Thiết kế nhà tứ hợp viện một sân hình chữ "Khẩu" (口) được gọi là Nhị tiến Nhất viện; Tứ hợp viện hai sân hình chữ "Nhật" (日) được gọi là Tam tiến Nhị viện; Tứ hợp viện 3 sân hình chữ "mục"(目) được gọi là Tứ tiến Tam viện. Nói chung, trong một sân vườn, nhất tiến là dãy nhà có cửa ra vào, nhị tiến là sảnh, tam tiến hoặc sau tam tiến là phòng ngủ hoặc nhà trong, tức không gian hoạt động của phụ nữ và gia quyến, người thường không được tùy tiện bước vào. Tứ hợp viện bao gồm rất nhiều kiểu ở các địa phương, nhưng tiêu biểu nhất là Tứ hợp viện của Bắc Kinh.
Nhà tứ hợp viện Bắc Kinh là một loại kiến trúc hợp viện phổ biến, “tứ” chỉ tứ phía là “đông, tây, nam, bắc”, “hợp” tức là phòng ốc ở bốn phía bao quanh sân vườn ở giữa, hình thành nên một kết cấu hình chữ “khẩu” (“口”). Trải qua xây dựng hàng trăm năm, Tứ hợp viện Bắc Kinh từ bố cục tổng thể cho đến kết cấu bên trong và chi tiết thiết bị lắp đặt đều hình thành nên nét phong cách đặc sắc của kinh thành.
Thiết kế nhà tứ hợp viện Bắc Kinh bởi vì có hình dạng vuông vắn, ngăn nắp nên nó cũng được gọi là Tứ hợp phòng. Ngôi nhà phía bắc được mệnh danh là “chính phòng”, nhằm khẳng định hướng chủ đạo của tứ hợp viện là từ bắc nhìn về nam, ngôi nhà phía nam được gọi là “đảo tọa”, hai bên đông tây mang tên “sương phòng”.
2. Những đặc điểm chung trong kiến trúc ngoại thất nhà Tứ hợp viện
Đặc điểm nổi bật nhất của tứ hợp viện là hình thái khép kín đăng đối và mái nhà ngói đen kẻ sóng lớn che cả nhà và hành lang
- Đặc điểm chung của tứ hợp viện:
Khi nhìn trên nhìn xuống, tứ hợp viện giống như một chiếc hộp lớn do 4 cái hộp nhỏ tạo thành. Khi nhìn từ mặt phẳng thì nó là một hình vuông ngay ngắn.
Đặc điểm chung của kiến trúc nhà tứ hợp viện là số tầng chỉ xây từ 1 đến 2 tầng và không thể vượt quá 2 tầng. Mái nhà đua rộng có những mái được uốn cong mềm mại thoát tục, sử dụng gỗ là chủ yếu và tất cả ngôi nhà trong tứ hợp viện đều có bậc tam cấp đi lên tiền sảnh và tiền sảnh có hàng cột tròn bằng gỗ đẹp mắt. Ngoài ra để mang ánh nắng tự nhiên vào phòng, người Trung Quốc cũng sử dụng cửa kính kết hợp với gỗ, tuy nhiên cũng chỉ những gia đình giàu có mới sử dụng kính cho cửa.
Khu nhà tứ hợp viện luôn có các hành lang chạy dài và các phòng đều hướng cửa ra khoảng sân giữa
Hành lang: Hành lang nối các khu nhà trong tứ hợp viện với nhau chạy theo bốn phía bao quanh lấy khoảng sân ở giữa, đây là yếu tố không thể thiếu khi thiết kế tứ hợp viện Bắc Kinh.
Thiết kế nhà tứ hợp viện có mái nhà nhô ra ngoài để tạo bóng mát cho khoảng sân ở giữa, mái nhà là kiểu 2 mái nghiêng lát ngói xám đặc trưng. Sân vườn được trồng nhiều cây xanh để liên kết không gian và làm tinh thần con người trở nên thoải mái.
Những ngôi nhà trong Tứ hợp viện thời xưa chủ yếu xây dựng bằng gỗ, gạch nung, đất đá tự nhiên, và chủ yếu vẫn được làm bằng gỗ, trang trí bằng những hoa văn đẹp mắt, tuy nhiên đối với những gia đình giàu có thì Tứ Hợp Viện được sơn son thếp vàng đẹp mắt với cách trang trí tinh xảo hơn còn những tứ hợp viện nhỏ đơn giản ở nông thôn thì chủ yếu là tường trắng kết hợp với cửa gỗ.
- Cửa chính và thùy hoa môn:
Thiết kế nhà tứ hợp viện không thể thiếu thùy hoa môn được trang trí đẹp đẽ tinh xảo, rực rỡ với mong ước mang lại cuộc sống sung túc, thịnh vượng
Ngoài ra, cánh cửa của tứ hợp viện thể hiện được “bộ mặt” của gia chủ, đánh giá được cấp bậc giai tầng của gia môn đó. Như đã nói ở trên, đối với dạng tứ hợp viện 2 – 3 sân, ngăn cách giữa ngoại viện và nội thất bên trong là cửa thùy hoa. Tuy đây không phải là cửa chính nhưng cũng rất được coi trọng.
Cửa thùy hoa có đặc điểm là cột trụ lơ lửng chứ không chạm đất, phía trên được chạm khắc hoa văn tinh xảo chủ yếu là hoa sen hoặc những họa tiết về đài hoa, chuỗi hạt, quả lựu có màu sắc rực rỡ… như đang sắp nở để thể hiện mong ước về cuộc sống tốt đẹp của gia chủ. Thùy hoa môn là một loại cửa tương đối được coi trọng trong Tứ hợp viện, hình thức đẹp đẽ giúp nó ngăn cách ngoại viện và nội thất của Tứ hợp viện. Thùy hoa môn được đặt tại đường trục chính, ở chính giữa phía bắc của ngoại viện, nằm trên bậc đá cao ba bậc hoặc năm bậc, dùng để ngăn cách phần trước và sau của viện. Phần phía trước viện là nơi chủ nhân tiếp khách, phần phía sau viện là nơi ở của những người còn lại trong gia đình, người ngoài không được ra vào, ngay cả đến người hầu nam cũng không ngoại lệ.
Cửa chính được thiết kế vững chãi, bề thế và long trọng thể hiện được địa vị xã hội và điều kiện tài chính của chủ nhân tứ hợp viện này
Cổng chính là cổng thể hiện địa vị của người trong nhà. Thiết kế nhà tứ hợp viện dù là kiểu dáng, màu sắc, mái cửa… tất cả đều có ý nghĩa riêng. Cổng chính ở các hộ dân thường cũng phải có đầy đủ đá chắn cửa (hình dạng giống chiếc gối, để cố định không bị dịch chuyển khi có trời gió), chốt cửa (có hình dạng như chiếc trâm cài đầu để cố định phần trên trục cửa), đá ôm trống (là vật trang trí để bên ngoài cửa có hình dạng như chiếc trống, xuất phát từ thời cổ đại có tác dụng trang trí).
Người Trung Quốc rất coi trọng thể diện, muốn biết được một người có địa vị cao hay không, tài sản có nhiều hay không, chỉ cần nhìn vào quy mô và cửa trước của tứ hợp viện là biết. Thiết kế nhà tứ hợp viện phần trước cửa thường sẽ được trang trí tinh xảo và đặc biệt sẽ trang trí hai con vật bằng đá. Tùy vào địa vị của gia chủ mà hai con vật đó có thể là chó, hổ, sư tử hay rồng.
- Xét về tinh thần cơ bản của kiến trúc, Tứ hợp viện theo đuổi sự an nhàn yên tĩnh, thanh bình thoải mái, ôm ấp đất mẹ và tận hưởng niềm vui cá nhân. Sống trong một khuôn viên Tứ hợp viện thanh bình ấm áp có lợi cho dưỡng khí, an thân lập mệnh, khiến cuộc sống và tinh thần có được điểm tựa.
3. Bố cục công năng khi thiết kế nhà tứ hợp viện như thế nào ?
Thiết kế nhà tứ hợp viện với bố cục các phòng ốc thể hiện sự tôn ti gia giáo trong nhà
Bố cục của Tứ hợp viện vô cùng ngay ngắn, thể hiện trọn vẹn lý niệm “Trời tròn đất vuông” trong văn hóa truyền thống. Người ta dùng tường vây liên kết tất cả các chính phòng, đảo tọa và đông, tây sương phòng thành một cụm nhà, quen gọi là viện. Kiểu kiến trúc đóng kín này chỉ mở một lối ra duy nhất ở góc đông nam, và quan niệm đó là cửa cát tường, may mắn nằm đúng vị trí “tốn” trong bát quái.
Thiết kế khép kín, yên tĩnh của mô hình nhà tứ hợp viện gồm các phòng ở 4 hướng nối liền nhau tạo nên một công trình vững chắc
Tứ hợp viện nhỏ chỉ có Nhị tiến Nhất viện, thiết kế nhà tứ hợp viện lớn có thể là Tam tiến Nhị viện hoặc Tứ tiến Tam viện, ngoài ra còn có thể xây dựng song song hai Tứ hợp viện kết nối thành một khối. Tứ hợp viện nhỏ gồm 13 gian phòng; Tứ hợp viện Nhị tiến Nhất viện hoặc Tam tiến Nhị viện có thể gồm 25 đến 40 gian phòng. Bức tường sau của nhà ngang phía Đông và phía Tây được làm tường bao, góc nhà còn xây thêm tường ngạch. Tứ hợp viện lớn được bao bọc trong bức tường rất cao, không mở cửa sổ, thể hiện sự kín đáo. Xét về tạo hình, rất nhiều vương phủ và chùa chiền đều thiết kế và xây dựng theo bố cục của Tứ hợp viện.
Đối với tứ hợp viện cỡ trung hoặc lớn hơn, dãy chính của phòng cuối cùng gọi là hậu tráo phòng. Thiết kế nhà tứ hợp viện hai – ba sân, chia làm nội trạch và ngoại trạch, được ngăn cách bởi cổng trong — cửa thuỳ hoa hoặc tường bình phong.
- Chính phòng (bắc phòng): xây trên nền gạch đá, rộng hơn các gian phòng khác và gian chính của chủ nhà, cũng là gian tập trung họp mặt gia đình
- Sương phòng còn gọi là các dãy Chái phòng (đông phòng và tây phòng): gian cho con cháu
- Nam phòng: dành tôi tôi tớ hoặc chứa vật dụng sinh hoạt
Tất cả cửa sổ từ các gian phòng đều hướng vào sân trong. Tường xây dựng bên ngoài cao khoảng tầm 7 – 8m vô cùng kín đáo. Tứ hợp viện đại diện cho kiểu nhà truyền thống của một đại gia đình, các thành viên sống quây quần và thể hiện trật tự tôn ty một cách nghiêm khắc. Kiểu xây dựng khép kín lấy sân vườn gia đình làm trung tâm cũng đồng thời thể hiện quan niệm về nhân sinh quan của con người lúc bấy giờ. Lấy sự an nhàn, yên tĩnh làm niềm vui cá nhân, sống trong khuôn viên thanh bình, ấm áp có lợi cho dưỡng khí, khiến cuộc sống và tinh thần có được điểm tựa.
Hiện nay các khu dân cư có Hồ đồng ở Trung Quốc đều là sự nối liền của nhiều tứ hợp viện với nhau
Hồ đồng (Hutong 胡同) tạm dịch là lối đi nhỏ. Do cấu trúc thiết kế nhà tứ hợp viện quay mặt vào khu điền sảnh, các tứ hợp viện cứ theo cấu trúc ấy xây liền nhau tạo thành thành dãy những con đường hẹp, hẻm nhỏ độc đáo. Ngày nay, khi du lịch Trung Quốc đến Bắc Kinh, bạn sẽ thấy hồ đồng luôn nằm trong những điểm đến nổi tiếng. Nhiều khu dân cư hình thành bằng cách nối liền một tứ-hợp-viện (siheyuan) này với một tứ-hợp-viện (siheyuan) khác để lập nên một Hồ đồng, và tiếp tục nối liền Hồ đồng này với Hồ đồng khác. Từ Hồ đồng cũng được sử dụng để chỉ những khu dân cư như vậy.
Từ giữa thế kỉ 20, một lượng lớn Hồ đồng tại Bắc Kinh bị phá hủy để nhường chỗ cho các con đường và tòa nhà mới. Gần đây, nhiều Hồ đồng đã được chỉ định để bảo tồn, trong nỗ lực nhằm giữ gìn nét độc đáo này của lịch sử văn hóa Trung Quốc.
4. Khoảng sân vườn giữa trong nhà Tứ hợp viện
Dù quy mô nhỏ hay lớn thì khoảng sân giữa của Tứ hợp viện vẫn được trang trí bằng thiên nhiên xanh mát, thư thái
Trong kiến trúc truyền thống của người Trung Hoa, khoảng sân trong đóng vai trò vô cùng quan trọng. Các ngôi nhà trong tứ hợp viện đều có cửa mở ra khoảng sân này. Thiết kế nhà tứ hợp viện với cửa sổ và cửa kính trong suốt vốn có giúp đảm bảo phần nào sự riêng tư, đồng thời cho phép ánh sáng chiếu xuyên vào không gian bên trong.
Các chậu hoa cảnh là thứ đặc biệt nhất trong sân Tứ hợp viện. Thời Thanh có câu tục ngữ: “Nhà mát, chậu nuôi cá, cây lựu, lão gia, chó béo, a hoàn béo“. Đây là miêu tả chân thực nhất về Tứ hợp viện. Chậu nuôi cá không chỉ dùng để nuôi cá mà còn để trồng hoa sen trong đó. Loại cây được trồng trong chậu nhiều nhất là cây lựu, có ý nghĩa sẽ có nhiều con nhiều cháu.
Có vai trò tương tự như phòng khách, khi thiết kế nhà tứ hợp viện , khoảng sân trong cũng là không gian ngoài trời riêng tư để các gia đình quây quần bên nhau. Từ trên cao nhìn xuống thành phố Bắc Kinh, người ta sẽ thấy nhà ngói màu tro quây quanh một khoảng sân vuông vắn. Cây cối xanh mướt trong sân không những tô điểm cho nhà mái tro, mà còn tạo bóng râm cho những người sinh sống trong Tứ hợp viện.
Để tạo nên vẻ đẹp thanh tao, thư thái cho khoảng sân rộng của Tứ hợp viện, người ta sử dụng các loại cây như đào, mận hoặc tùng, cúc, trúc, mai, lư đồng trồng sen, súng… và đặt một bộ bàn ghế đá để gia đình quây quần thưởng trà ngắm trăng, ngắm hoa, uống rượu, đây chính là tinh thần của Tứ hợp viện và lối sống của các gia đình Trung Quốc xưa. Ở Việt Nam chúng ta có thể tận dụng mô hình này để xây nhà kiểu resort mini phục vụ hoạt động nghỉ dưỡng của gia đình hoặc để kinh doanh.
CÓ THỂ THIẾT KẾ NHÀ TỨ HỢP VIỆN VÀ XÂY DỰNG Ở VIỆT NAM KHÔNG ?
Không phải vùng nào ở Việt Nam cũng có thể xây dựng tứ hợp viện mà chỉ có những vùng thời tiết mát và mùa đông lạnh khắc nghiệt mới có thể xây tứ hợp viện khép kín như thế này. Có thể áp dụng mô hình tứ hợp viện cho mục đích nghỉ dưỡng, du lịch, kinh doanh nhà hàng, quán cà phê.
Vì đặc điểm cấu trúc khép kín của Tứ hợp viện nên sẽ chỉ phù hợp với vùng phương Bắc lạnh lẽo và đương nhiên không phù hợp với khí hậu ở Việt Nam sẽ rất bí và nóng, không lưu thông được gió, việc xây nhà kiểu Tứ hợp viện ở Việt Nam vùng thời tiết nóng sẽ không khả thi.
Ở Việt Nam, kiến trúc truyền thống có sự tương đồng với Tứ hợp viện đó là cũng xây một quần thể gồm các dãy nhà ngang hình chữ nhất liền kề nhau nhưng nó có dạng hình chữ L hoặc chữ U nghĩa là không bịt kín như Tứ hợp viện mà có sự thông thoáng hơn gồm 2 hoặc 3 ngôi nhà quây vào nhau, ở giữa là khoảng sân phơi, giếng nước, xung quanh là vườn tược để chăn nuôi, trồng trọt, hoặc có thêm ao cá. Mặc dù cũng thể hiện tôn ti trật tự trong cách bố trí cấu trúc nhà ở nhưng đối với nhà truyền thống Việt Nam không quá riêng tư và khắt khe như gia đình Trung Quốc xưa. Khu nhà truyền thống ở Việt Nam gồm 1 nhà chính, 1 nhà bếp ăn có nhà kho và 1 giường ngủ cho con gái trong nhà.
Hiện nay với sự phát triển của dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng ở Việt Nam, chúng ta có thể áp dụng mô hình kiến trúc tứ hợp viện để cái biến để kinh doanh phát triển du lịch, có thể thiết kế nhà tứ hợp viện hiện đại và xây dựng thành một trong các kiểu thiết kế homestay ấn tượng nhất. Để giảm chi phí xây dựng, chúng ta nên tập trung trang trí cho khu sân vườn, bằng những hình ảnh đẹp như đèn lồng, cây cối…tạo nên không gian xanh mát hữu tình đậm chất Trung Hoa nhưng sử dụng vật liệu mộc mạc để xây dựng các khu nhà tạo thành những homestay, resort giá rẻ theo phong cách tứ hợp viện. Tuy nhiên hình thức này chỉ phù hợp với những vùng có khí hậu lạnh ở nước ta như Sapa, Hà Giang…và nhiều vùng núi cao khác.
Trên nền không gian rộng lớn có người đã thiết kế quán cà phê được xử lý khéo léo với phong cách nhà Việt xưa phảng phất chút dáng dấp Tứ hợp viện của Trung Quốc với chính Bắc là Chính phòng, hai bên đông tây là Sương phòng, nam phòng đối diện với bắc phòng được gọi là Đảo tọa phòng. Ngoài việc xây dựng thành quán cà phê, chúng ta có thể áp dụng để thiết kế thành các nhà hàng lớn, các khách sạn mang phong cách tứ hợp phòng độc đáo, ấn tượng để làm phong phú thêm cho nền kiến trúc ở nước ta.
Kiến trúc Tứ hợp viện còn nhiều điều bí ẩn mà chúng ta không thể nói hết qua một bài viết ngắn như thế này, tuy nhiên với sự tương đồng nhẹ với kiến trúc truyền thống Việt Nam thì chúng ta nên tìm hiểu và vận dụng một cách có chọn lọc để tạo nên những công trình kiến trúc đặc sắc góp phần cho sự phát triển du lịch, văn hóa của nước nhà hoặc thỏa mãn niềm yêu thích của chính mình. Thiết kế nhà tứ hợp viện không hề dễ dàng trong cách xử lý bố cục, phong thủy, công năng nên đòi hỏi phải là đội thợ am hiểu mô hình kiến trúc này mới có thể thiết kế được.
Xem thêm: Một số lưu ý khi thiết kế mẫu nhà mái bằng 1 tầng 3 phòng ngủ đơn giản mà đẹp
Gửi yêu cầu tư vấn
Khách hàng vui lòng gọi điện vào hotline, Gửi yêu cầu tư vấn, Comment yêu cầu tư vấn dưới mỗi bài viết. Chúng tôi sẽ xử lý và trả lời yêu cầu tư vấn khách hàng trong 8h làm việc.
CÔNG TY CỔ PHẦN KIẾN TRÚC VÀ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG ANG
Trụ sở: 211 - Khương Trung - Thanh Xuân - Hà Nội
Văn phòng: Số 137 Nguyễn Xiển - Thanh Xuân - Hà Nội.
Hotline: 0988030680 - Tel: 02466622256 - Email: angcovat.vn@gmail.com
Bình luận